Kinh nghiệm tự lái xe du lịch Lào (& Campuchia)
|Tháng 7 năm 2019, mình và vài người bạn có chuyến tự lái xe du lịch Lào. Dù có tham khảo một số thông tin trước, nhưng vẫn có một số lưu ý nhỏ chưa thấy ai đề cập đến, mình viết bài này chia sẻ kinh nghiệm lại cho bạn nào cần.
Thủ tục cần thiết để tự lái xe du lịch Lào & Campuchia
Trước tiên, bạn phải xin giấy phép liên vận. Bạn nên xin ở Sở Giao thông vận tải nơi bạn đang sống. Hiện tại, mình thấy bài viết đầy đủ nhất ở đây. Lưu ý: trong bài trên, phí làm giấy phép là 50.000. Tuy nhiên, lúc mình làm thì không tốn phí.
Bạn cần có giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe bản chính, bảo hiểm. Nếu bạn có giấy phép lái xe quốc tế thì tốt, không thì giấy phép của Việt Nam cũng được. Tốt nhất khi đi bên nước bạn, chủ xe nên là người lái xe.
Lưu ý: theo như mình biết, bạn bắt buộc phải có giấy đăng ký xe bản chính. Bạn photo dù có công chứng vẫn không được nước bạn chấp nhận và có thể bị giam xe. Vì vậy, nếu xe của bạn đang vay thế chấp với ngân hàng, bạn không nên đưa xe mình qua biên giới.
Thủ tục ở cửa khẩu
Khi đến biên giới, bạn làm thủ tục xuất cảnh như bình thường. Riêng xe sẽ có một số thủ tục khác, bạn cứ hỏi nhân viên ở cửa khẩu thì sẽ được hướng dẫn. Có 1 lưu ý quan trọng là mọi giấy tờ được cấp bạn phải giữ, không vứt bỏ. Đã có bạn bị làm khó khi quay về Việt Nam vì bỏ mất Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm xuất – tái nhập (xem ở đây). Tờ khai này khi nhân viên cửa khẩu đưa bạn ký tên, họ sẽ đưa bạn 2 bản, bạn ký xong thì họ giữ 1 bản, 1 bản bạn giữ, khi quay về, cửa khẩu sẽ kiểm tra và thu lại.

Cửa khẩu bên nước bạn cũng cấp cho bạn một tờ giấy tương tự. Mình không biết tiếng Lào (và Campuchia) nên cũng không biết chính xác là giấy gì. Tuy nhiên, cũng giống Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm xuất – tái nhập, bạn phải giữ để đi lại trên đường, cảnh sát có kiểm tra thì bạn phải xuất trình. Khi quay về, cửa khẩu nước bạn cũng sẽ thu lại giấy này.

Mình chưa đi Campuchia nên không biết thủ tục thế nào, riêng Lào, tại cửa khẩu, bạn phải mua bảo hiểm xe. Bạn đi bao nhiêu ngày thì mua bấy nhiêu ngày. Chi phí theo mình không mắc lắm.
Chú ý khi đi lại bên nước bạn
Mình không rõ Campuchia, riêng Lào, người dân đi khá cẩn thận, không băng ẩu như ở Việt Nam. Đường xá cũng ít xe máy, chủ yếu là xe bán tải, trong đó Toyota Hilux chiếm phần lớn. Tuy nhiên, có lẽ cũng chính vì vậy, họ lại chạy xe khá nhanh. Ô tô bên Lào phóng 100 – 140km/h là bình thường, dù là ngày hay đêm. Nếu bạn cẩn thận thì ngoài khu đông nhà cửa dân cư, chạy 80km/h là được.
Đường xá bên Lào khá tốt, tuy nhiên không bằng Việt Nam. Đường quốc lộ đa phần khá nhỏ. Dù vậy, bạn có thể chạy 100km/h được. Tuy đường nhỏ và không láng mịn như cao tốc Việt Nam, nhưng tốc độ người dân chạy cao hơn cả cao tốc Việt Nam.
Đường từ Văng Viên đi Luông Prabăng đèo dốc khá dài, cua ngoặc, độ dốc khá lớn, làn đường không rõ hoặc không có làn đường, một số nơi đường xấu, có nơi có tảng đá lớn nằm hết 1 làn đường, nếu có đi chặng này thì bạn nên lưu ý chút và hạn chế đi ban đêm trên đèo. Còn nếu bạn quen đi đường Tây Bắc Việt Nam thì đường này không làm khó bạn. Ngoại trừ thành phố lớn, còn lại các đường nhánh ở ngoại ô hầu hết chỉ là đường đất đỏ, có lẽ vì lí do này mà xe bán tải khá được người dân ưa chuộng.
Đường từ Viêng Chăn đổ ra Bắc Lào xe Trung Quốc khá nhiều. Bạn cũng sẽ gặp các dự án thủy điện do Trung Quốc tài trợ. Mình nghĩ chắc là cũng do Trung Quốc xây. Đường ở phí Nam Lào thì có thể gặp xe Việt Nam.
Lào không có bảng báo khu dân cư như Việt Nam. Bù lại, chỗ đông dân cư, họ hay gắn bảng giới hạn tốc độ 30km/h. Dù vậy, dân Lào không mấy ai chạy đúng 30km/h, toàn trên 100km/h.
Hầu hết đường tuy có bảng giới hạn tốc độ 30km/h, nhưng lại không có bảng hết giới hạn tương ứng. Trong một số ít trường hợp, bảng giới hạn thì 30, nhưng bảng hết giới hạn thì lại để 20.??. Vì vậy, khi cảm thấy đường vắng và hết đông nhà dân, bạn có thể tăng tốc độ.
Hầu hết mọi bảng chỉ dẫn và cảnh báo ở Lào đều có ghi tiếng Lào lẫn tiếng Anh. Riêng bảng Stop thì chỉ có tiếng Lào. Bảng này hay cắm ở các giao lộ trong thành phố. Khi gặp bảng, bạn nên dừng lại rồi quan sát xung quanh, nếu ổn thì đi tiếp. Dân Lào không chen lấn như Việt Nam, đa phần họ thấy chúng ta họ sẽ nhường, nên mình nghĩ chúng ta cũng nên chủ động nhường cho lịch sự.
Người Lào hiếm khi sử dụng còi xe. Mình đi suốt 8 ngày và chỉ nghe bấm còi 1 hoặc 2 lần ngoài khu dân cư, chủ yếu là do súc vật đứng cản trên đường. Đây cũng là vấn đề bạn cần lưu ý. Súc vậy thường xuyên đi lại và băng qua đường bất chợt. Nếu thấy súc vật từ xa, bạn nên có tốc độ hợp lý để phòng trường hợp chúng qua đường đột ngột. Bạn cũng nên hạn chế sử dụng còi, nhất là trong đô thị.
Ngã tư trong thành phố đèn xanh lần lượt, tức là chỉ có 1 bên được đi, 3 bên còn lại đều phải dừng chờ đèn đỏ. Việt Nam thì đèn giống nhau ở hai bên đối diện nhau, nên hai chiều xe ngược nhau trên cùng đường sẽ được đi hoặc dừng cùng lúc. Vấn đề này mình nghĩ Lào bắt chước Thái Lan, vì mình thấy Thái Lan cũng đi giống vậy.
Giá xăng và dầu ở Lào cao hơn Việt Nam chút ít. Về tỉ giá, thì 1 đồng Kíp Lào ăn 2,7 đồng Việt Nam. Giá dầu vào khoảng 8.000 Kíp và xăng là khoảng 10.000 Kíp.
Vấn đề rất nhiều bạn quan tâm, có lẽ là cảnh sát giao thông. Mình bị cảnh sát giao thông dừng vài lần, nhưng kiểm tra đủ giấy tờ thì cho đi, không làm khó gì. Mẹo nhỏ: bạn nên đi ban ngày, hạn chế đi ban đêm.
Ăn uống, nghỉ ngơi
Mình đánh giá đồ ăn ở Lào khá ngon, tuy nhiên khá cay. Mình rất thích món Lạp cá. Đồ ăn và khách sạn giá cả hợp lý. Người dân cũng không chụp giật, bạn hoàn toàn có thể yên tâm ăn uống và nghỉ ngơi ở quán lạ, ít khách.

Riêng khách sạn và chỗ du lịch, bạn nên kiểm tra Google Maps trước khi đi. Mình đã gặp sự cố ở Luông Prabăng, khi đặt chỗ nghỉ trên Agoda và không xem trước vị trí. Lúc đến thì trời tối rồi, mà phải băng qua phà, cuối cùng thì chỗ đó cũng không có ai ở, phải quay ngược lại (may mà phà còn hoạt động). Dù vậy, khi complaint thì vẫn được Agoda trả lại chi phí đã đặt.

Khách sạn, hàng quán nhiều chỗ nhìn vắng khách. Nhưng bạn vào thì người ta sẽ phục vụ tận tình.
Mình không biết người Lào có loại cơm như ở Việt Nam hay không. Các quán mình vào đều phục vụ cơm nếp, chứ không phải cơm gạo thường, trừ khi bạn vào quán của người Việt.
Tổng kết: Nhìn chung, lái xe du lịch tự túc ở Lào rất an toàn. Người dân thân thiện, không gian dối, chụp giật. Nếu thích tự lái xe trải nghiệm, Lào là nơi mình recommend bạn trải nghiệm.