Cài đặt Apache, PHP, MySQL trên Mac OS X
|Để lập trình Apache, PHP, MySql trên Mac OS X, bạn có thể cài đặt các gói tích hợp sẵn như XAMPP chẳng hạn. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tự tay cài đặt và cấu hình, thì dưới đây là hướng dẫn cho bạn.
Trên Mac OS X, Apache và PHP đã được cài đặt sẵn. Bạn chỉ cần cấu hình để chúng chạy chung với nhau, và sau cùng là cài đặt thêm MySQL nữa là xong.
Bước 1: Tạo thư mục web gốc
Đầu tiên, hãy tạo một thư mục nơi sẽ đặt các ứng dụng web. Nên tạo một thư mục ngay dưới thư mục home của chính mình, vì mình có quyền kiểm soát mọi thứ liên quan đến nó. Trong bài này, mình sẽ tạo một thư mục tên webroot, tên người dùng của mình là binhnt, nên đường dẫn đầy đủ của thư mục sẽ là /Users/binhnt/webroot.
Bước 2: Kích hoạt Apache
Nếu bạn đang dùng Mac OS X trước bản Lion, hãy vào System Prefrences → Sharing, sau đó chọn Web Sharing từ danh sách bên trái, như hình:
Nếu bạn đang dùng Mac OS X Lion, Mavericks, tùy chọn trên không còn xuất hiện. Hãy mở Terminal và gõ lệnh sau:
sudo apachectl start
Trong lệnh trên:
- sudo: báo cho hệ thống biết bạn muốn thực hiện lệnh với quyền root
- apachectl start: khởi động Apache
Sau khi enter, bạn sẽ bị hỏi mật khẩu. Hãy nhập mật khẩu rồi enter, lưu ý, mật khẩu có thể không hiển thị, bạn cứ nhập đúng là được.

Tiếp theo, hãy thử mở trình duyệt và vào địa chỉ http://localhost. Nếu một trang trắng có dòng chữ It works! xuất hiện thì bạn đã thực hiện bước này thành công.
Bước 3: Kích hoạt PHP cho Apache
Ở bước này, bạn cần chỉnh sửa file cấu hình Apache bằng một trình soạn thảo văn bản. Nếu bạn đang không có quyền root, bạn phải làm việc này qua Terminal. Trên Terminal, bạn có thể dùng trình soạn thảo vi để sửa file cấu hình Apache. Nếu bạn chưa biết cách dùng vi, hãy bấm vào đây để đọc thêm.
Từ dấu nhắc Terminal, gõ lệnh sau:
sudo vi /etc/apache2/httpd.conf
Màn hình sau sẽ xuất hiện:

Tìm đến dòng sau rồi bỏ dấu # ở đầu:
#LoadModule php5_module libexec/apache2/libphp5.so
thành
LoadModule php5_module libexec/apache2/libphp5.so
Bước 4: Cấu hình Apache nhận thư mục web gốc đã tạo ở bước 1
Mặc định, thư mục web gốc nằm tại /Library/WebServer/Documents/. Nếu không đang truy xuất bằng quyền root, việc tạo sửa xóa file tại thư mục này sẽ khó khăn, do đó, ta cần đặt lại thư mục web gốc về thư mục đã tạo ở bước 1.
Ta sẽ chỉnh sửa tiếp tập tin cấu hình Apache, như sau:
Tìm đến dòng DocumentRoot “/Library/WebServer/Documents” và sửa lại thành DocumentRoot “/Users/binhnt/webroot” (bạn lưu ý đổi lại cho đúng đường dẫn mong muốn của bạn).
Dưới đó, tạo thêm nội dung như sau:
<Directory “/Users/binhnt/webroot”>
AllowOverride All
Order allow, deny
Allow from all
</Directory>
Ở trên, bạn nên để AllowOverride All để có thể dễ dàng sử dụng tập tin .htaccess ở mỗi thư mục ứng dụng web.
Tiếp theo, hãy lưu tập tin lại rồi thoái khỏi vi (bấm phím ESC, rồi gõ :wq enter). Sau đó, tại dấu nhắc Terminal, dùng lệnh sau để khởi động lại Apache:
sudo apachectl restart
Giờ hãy tạo một tập tin HTML tên index.html tại thư mục /Users/binhnt/webroot, sau đó mở trình duyệt và gõ thử http://localhost (nhớ xóa cache, bấm vào đây nếu bạn chưa biết xóa cache trong Safari). Nếu trang web bạn vừa tạo hiển thị thì bạn đã thành công bước này.
Bước 5: Cài đặt MySQL
Tải về MySQL tại http://dev.mysql.com/downloads/mysql/ (mình đề xuất tải bản DMG Archive), sau đó cài đặt. Mở System Preferences, bạn sẽ thấy xuất hiện MySQL như hình:
Hãy bấm vào đó và chọn Start MySQL Server.
Bước 6: Thiết lập mật khẩu root MySQL
Trở lại Terminal, từ dấu nhắc, gõ các lệnh sau:
cd /usr/local/mysql/bin
./mysql -u root
mysql> use mysql;
mysql> update user set password=PASSWORD(“mật khẩu mới của bạn“) where User=’root’;
mysql> flush privileges;
mysql> quit
Bước 7: Kết nối PHP và MySQL
Bạn có thể không cần đến bước này, hãy tạo thử một file mã php kết nối đến MySQL:
<?php
$con=mysqli_connect(“localhost”,”root”,”Mật khẩu root bạn đã tạo“);
if (mysqli_connect_errno()) {
echo “Ket noi that bai”;
} else {
echo “Ket noi thanh cong”;
}
?>
Nếu mã trên chạy tốt thì bạn có thể bỏ qua bước này.
Nếu không, từ dấu nhắc Terminal, gõ các lệnh sau:
cd /var
sudo mkdir mysql
cd mysql
sudo ln -s /tmp/mysql.sock mysql.sock
Như vậy, bạn đã hoàn tất việc cài đặt Apache, PHP và MySQL trên Mac OS X. Tuy nhiên, nếu dừng ở đây, bạn có thể chưa có trình soạn thảo để viết mã PHP (bạn có thể dùng vi, nhưng sẽ tiện lợi hơn nếu có một ứng dụng giao diện đồ họa), và sẽ phải quản trị MySQL bằng dòng lệnh.
Để viết mã PHP, bạn có thể dùng các ứng dụng như Dreamwaver,… Riêng mình thì chọn dùng TextWrangler vì nó nhỏ gọn và miễn phí.
Để quản trị MySQL, bạn có thể tải và cài đặt phpMyAdmin. Ứng dụng này dễ cài và dễ sử dụng. Mình đề xuất thêm ứng dụng Sequel Pro vì nó là ứng dụng desktop có giao diện đồ họa, sẽ giúp bạn thao tác nhanh chóng hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể xem xét dùng MySQL Workbench – một công cụ khá mạnh giúp quản trị và thao tác với MySQL.
Bạn cũng có thể xem thêm bài này nếu có nhu cầu cài đặt Apache, PHP và MySQL trên Windows.
Sao mình thay đổi đường dẫn Webroot không được nhỉ.
DocumentRoot “Users/XuanBa/Webroot”
Options FollowSymLinks Multiviews
MultiviewsMatch Any
AllowOverride All
Require all granted
“/Users…” chứ không phải “Users…” nha bạn. Với bạn gõ lại cặp dấu ” nếu copy từ đây nha, vì có thể khác ký tự.